Tìm kiếm Luật, Nghị định, Thông tư, Nghị quyết...

Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ

 

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
________

Số: 16/2021/TT-BGTVT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
_____________________

Hà Nội, ngày 12 tháng 08 năm 2021

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ KIỂM ĐỊNH AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ

             Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô (sau đây gọi chung là xe cơ giới).

2. Thông tư này không áp dụng đối với xe cơ giới của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (sau đây viết tắt là ATKT và BVMT) xe cơ giới.

Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới (sau đây gọi tắt là kiểm định) là việc kiểm tra, đánh giá lần đầu và định kỳ tình trạng ATKT và BVMT của xe cơ giới theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định.

2. Giấy Chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận kiểm định) là chứng chỉ xác nhận xe cơ giới đã được kiểm định và thỏa mãn các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về chất lượng ATKT và BVMT.

3. Tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới (sau đây gọi tắt là Tem kiểm định) là biểu trưng cấp cho xe cơ giới đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định và được phép tham gia giao thông đường bộ theo thời hạn ghi trên Tem kiểm định trong lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các nước mà Việt Nam đã ký Hiệp định công nhận lẫn nhau về Giấy chứng nhận kiểm định.

4. Xe cơ giới nguyên thủy là xe cơ giới không có sự thay đổi cấu tạo, hình dáng, bố trí, nguyên lý làm việc, thông số, đặc tính kỹ thuật của toàn bộ các hệ thống, tổng thành so với thiết kế của nhà sản xuất.

5. Phiếu lập hồ sơ phương tiện là bản ghi các thông tin hành chính, thông số kỹ thuật của xe cơ giới nguyên thủy và cập nhật những thay đổi trong suốt quá trình sử dụng.

6. Phiếu kiểm định là bản ghi nhận kết quả kiểm tra và ảnh chụp xe cơ giới của mỗi lần kiểm định.

7. Ấn chỉ kiểm định là phôi của Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định và Phiếu lập hồ sơ phương tiện.

8. Hồ sơ phương tiện gồm Phiếu lập hồ sơ phương tiện và các giấy tờ liên quan đến thông tin hành chính, thông số kỹ thuật, kể cả những thay đổi trong suốt quá trình sử dụng xe cơ giới.

9. Hồ sơ kiểm định gồm các giấy tờ ghi nhận kết quả của mỗi lần kiểm định.

10. Chủ xe gồm chủ xe cơ giới, lái xe hoặc người đưa xe cơ giới đến kiểm định.

11. Chương trình Quản lý kiểm định là hệ thống phần mềm do Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng để quản lý cơ sở dữ liệu kiểm định và quản lý công tác kiểm định của xe cơ giới, được sử dụng tại các đơn vị đăng kiểm và Cục Đăng kiểm Việt Nam.

12. Tài liệu kỹ thuật là các tài liệu của nhà sản xuất, giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền, sổ tay thông số kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc các ấn phẩm kỹ thuật khác đã được phát hành và có nguồn gốc rõ ràng.

Điều 4. Hành vi không được thực hiện trong kiểm định xe cơ giới

1. Kiểm định không đủ nội dung, không đúng quy trình, quy định, kiểm định ngoài dây chuyền, ngoài đơn vị sai quy định; làm sai lệch kết quả kiểm định.

2. Kiểm định khi thiết bị kiểm tra bị hư hỏng; kiểm định khi thiết bị kiểm tra chưa được kiểm tra, đánh giá, hiệu chuẩn.

3. Kiểm định khi không đảm bảo việc nối mạng để truyền dữ liệu, kết quả kiểm định; kiểm định khi hệ thống camera giám sát và lưu trữ hình ảnh dạng video không đảm bảo quy định.

4. Bố trí người thực hiện công việc kiểm định trên dây chuyền kiểm định không đủ, không đúng với quy định.

5. Yêu cầu chủ xe đưa xe đi sửa chữa, bảo dưỡng tại các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng chỉ định.

6. Thu tiền kiểm định, phí và lệ phí sai quy định; có hành vi tiêu cực, sách nhiễu.

7. Kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới hết niên hạn sử dụng.

8. Lập Hồ sơ phương tiện, kiểm định, sử dụng ấn chỉ kiểm định, in Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định và báo cáo kết quả kiểm định không đúng quy định.

Chương II
KIỂM ĐỊNH XE CƠ GIỚI

Điều 5. Địa điểm thực hiện kiểm định

1. Việc lập Hồ sơ phương tiện, kiểm định (kể cả khi bổ sung, sửa đổi Hồ sơ phương tiện) đối với xe cơ giới được thực hiện tại bất kỳ đơn vị đăng kiểm nào trên cả nước.

2. Xe cơ giới phải được kiểm định trên dây chuyền kiểm định. Trường hợp xe cơ giới quá khổ, quá tải không vào được dây chuyền kiểm định thì được kiểm tra sự làm việc và hiệu quả phanh trên đường thử ngoài dây chuyền. Đối với xe cơ giới hoạt động tại các vùng đảo không có đường bộ để di chuyển đến đơn vị đăng kiểm; xe cơ giới hoạt động tại các khu vực bảo đảm về an toàn, an ninh, quốc phòng không đủ điều kiện đưa xe tới đơn vị đăng kiểm; xe cơ giới đang thực hiện các nhiệm vụ cấp bách (phòng chống thiên tai, dịch bệnh) thì được kiểm định ngoài đơn vị đăng kiểm theo quy định tại khoản 3 Điều 8 của Thông tư này.

Điều 6. Giấy tờ cần thiết khi lập Hồ sơ phương tiện và kiểm định

1. Lập Hồ sơ phương tiện
Việc lập Hồ sơ phương tiện được thực hiện khi xe cơ giới kiểm định lần đầu để tham gia giao thông (trường hợp kiểm định lần đầu để cấp Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định có thời hạn hiệu lực 15 ngày thì không lập Hồ sơ phương tiện). Khi đưa xe cơ giới đến đơn vị đăng kiểm để kiểm định và lập Hồ sơ phương tiện, chủ xe cần xuất trình, nộp các giấy tờ sau:

a) Xuất trình: giấy tờ về đăng ký xe (bản chính Giấy đăng ký xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc Giấy biên nhận giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đang thế chấp của tổ chức tín dụng) hoặc Giấy hẹn cấp Giấy đăng ký;

b) Nộp bản sao Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp trong nước (trừ xe cơ giới thanh lý);

c) Nộp bản chính Giấy chứng nhận chất lượng ATKT và BVMT xe cơ giới cải tạo đối với trường hợp xe cơ giới mới cải tạo.

2. Kiểm định
Khi đưa xe cơ giới đến đơn vị đăng kiểm để kiểm định, chủ xe cần xuất trình, nộp các giấy tờ và cung cấp các thông tin sau:

a) Các giấy tờ nêu tại các điểm a và điểm c khoản 1 Điều này;

b) Thông tin về tên đăng nhập, mật khẩu truy cập và địa chỉ trang thông tin điện tử quản lý thiết bị giám sát hành trình, camera đối với xe cơ giới thuộc đối tượng phải lắp thiết bị giám sát hành trình, camera;

c) Khai báo về việc kinh doanh vận tải vào Phiếu theo dõi hồ sơ theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 7. Thực hiện kiểm tra, đánh giá xe cơ giới

1. Nội dung kiểm tra, phương pháp kiểm tra và khiếm khuyết, hư hỏng của xe cơ giới khi kiểm định được quy định tại Bảng 1 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Các khiếm khuyết, hư hỏng của xe cơ giới trong kiểm định được phân thành 3 mức như sau:

a) Khiếm khuyết, hư hỏng không quan trọng (MINOR DEFECTS - MiD) là hư hỏng không gây mất an toàn kỹ thuật, ô nhiễm môi trường khi xe cơ giới tham gia giao thông. Xe cơ giới vẫn được cấp Giấy chứng nhận kiểm định;

b) Khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng (MAJOR DEFECTS - MaD) là hư hỏng có thể gây mất an toàn kỹ thuật, ô nhiễm môi trường khi xe cơ giới tham gia giao thông. Xe cơ giới không được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, phải sửa chữa các hư hỏng để kiểm định lại;

c) Khiếm khuyết, hư hỏng nguy hiểm (DANGEROUS DEFECTS - DD) là hư hỏng gây nguy hiểm trực tiếp và tức thời khi xe cơ giới tham gia giao thông. Xe cơ giới không được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, không được tham gia giao thông và phải sửa chữa các hư hỏng để kiểm định lại.

3. Xe cơ giới đồng thời có những hư hỏng ở các mức khác nhau sẽ bị đánh giá ở mức hư hỏng cao nhất trong các hư hỏng.

4. Xe cơ giới có nhiều hư hỏng cùng một mức sẽ bị đánh giá vào mức hư hỏng cao hơn kế tiếp nếu như sự kết hợp các hư hỏng gây nguy hiểm hơn cho xe cơ giới.

5. Xe cơ giới kiểm định lại ngay trong ngày tại cùng một đơn vị đăng kiểm. đơn vị đăng kiểm chỉ cần kiểm định lại các hạng mục khiếm khuyết, hư hỏng. Riêng đối với các hạng mục liên quan đến hệ thống phanh, hệ thống lái nếu có hạng mục không đạt, phải kiểm tra lại toàn bộ hệ thống phanh, hệ thống lái. Trường hợp kiểm định lại vào ngày khác hoặc tại đơn vị khác thì phải kiểm định lại tất cả các hạng mục;

6. Việc kiểm tra, đánh giá tình trạng ATKT và BVMT của xe cơ giới phải do các đăng kiểm viên thực hiện; mỗi xe cơ giới có thể phân công một hoặc nhiều đăng kiểm viên. Việc kiểm tra, đánh giá tình trạng ATKT và BVMT của xe cơ giới được chia làm 05 công đoạn, nội dung kiểm tra của mỗi công đoạn được quy định tại Bảng 2 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, 05 công đoạn bao gồm:

a) Công đoạn 1: kiểm tra nhận dạng, tổng quát;

b) Công đoạn 2: kiểm tra phần trên của phương tiện;

c) Công đoạn 3: kiểm tra hiệu quả phanh và trượt ngang;

d) Công đoạn 4: kiểm tra môi trường;

đ) Công đoạn 5: kiểm tra phần dưới của phương tiện.

7. Xe cơ giới vào kiểm định phải được chụp ảnh tại đơn vị đăng kiểm, cụ thể như sau.

a) Chụp ảnh tổng thể xe và ảnh biển số đăng ký của xe cơ giới để in trên Phiếu kiểm định: Ảnh chụp thể hiện được tổng thể xe và biển số xe, phần ảnh xe cơ giới chiếm khoảng 75% diện tích của ảnh.

b) Chụp ảnh xe cơ giới để in trên Giấy chứng nhận kiểm định: Ảnh chụp ở góc chéo khoảng 45 độ từ phía sau bên phải theo chiều tiến của xe, thể hiện được tổng thể xe và biển số xe, phần ảnh xe cơ giới chiếm khoảng 75% diện tích của ảnh.

c) Chụp ảnh khoang hành lý (hầm hàng); chụp ảnh khoang hành khách từ đầu xe và từ cuối xe đối với ô tô chở người trên 09 chỗ kể cả người lái.

d) Ảnh chụp rõ nét (độ phân giải tối thiểu 1280 x 720), thể hiện thời gian chụp đầy đủ về ngày, tháng, năm, giờ và phút chụp ảnh.

8. Đăng kiểm viên tự lái xe khi kiểm tra xe. Trường hợp đối với tổ hợp xe (đầu kéo và sơ mi rơ moóc; xe thân liền và rơ moóc), ô tô chở người trên 30 chỗ nếu không lái được xe thì đăng kiểm viên có thể đề nghị chủ xe thực hiện lái xe.

Điều 8. Trình tự, cách thức thực hiện

1. Lập Hồ sơ phương tiện

a) Đơn vị đăng kiểm tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Thông tư này, nội dung kiểm tra hồ sơ theo Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này; nếu không đầy đủ thì hướng dẫn chủ xe hoàn thiện lại.

b) Đơn vị đăng kiểm in thông số kỹ thuật của xe từ cơ sở dữ liệu sản xuất lắp ráp, nhập khẩu của Cục Đăng kiểm Việt Nam; kiểm tra xe cơ giới và đối chiếu với các giấy tờ và bản in thông số kỹ thuật. Trường hợp xe cơ giới thanh lý, xe mang biển số đăng ký ngoại giao không có trong cơ sở dữ liệu sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, kiểm định của Cục Đăng kiểm Việt Nam thì đơn vị thực hiện theo mục 3 Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Nếu kết quả kiểm tra, đối chiếu đạt yêu cầu thì nhập thông số kỹ thuật, thông tin hành chính của xe cơ giới vào chương trình quản lý kiểm định; cách thức thực hiện theo Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này; in Phiếu lập hồ sơ phương tiện theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này; nếu không đạt thì thông báo cho chủ xe khắc phục, hoàn thiện lại.

d) Chụp 02 ảnh tổng thể rõ biển số của xe cơ giới để lưu (ảnh ở góc chéo khoảng 45 độ từ phía trước bên cạnh xe và ảnh từ phía sau góc đối diện, có thể hiện thời gian chụp trên ảnh); chụp 02 ảnh (ảnh từ đầu xe và ảnh từ cuối xe) phần gầm của xe cơ giới để lưu trữ trường hợp ô tô chở người đến 09 chỗ.

2. Kiểm định tại đơn vị đăng kiểm
Tổ chức, cá nhân đưa xe cơ giới và các giấy tờ theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Thông tư này đến đơn vị đăng kiểm để kiểm định. Đơn vị đăng kiểm tiếp nhận giấy tờ và thực hiện kiểm định theo trình tự quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này:

a) Tiếp nhận, kiểm tra, tra cứu cảnh báo, đối chiếu hồ sơ với dữ liệu trên Chương trình Quản lý kiểm định, nếu không đầy đủ thì hướng dẫn chủ xe hoàn thiện lại; nếu đầy đủ thì đăng ký kiểm định, thực hiện kiểm tra, đánh giá tình trạng ATKT và BVMT của xe cơ giới và in Phiếu kiểm định theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Xe cơ giới kiểm định đạt yêu cầu, đơn vị đăng kiểm trả Giấy chứng nhận kiểm định và dán Tem kiểm định cho phương tiện. Đối với xe cơ giới chỉ có Giấy hẹn cấp đăng ký xe, đơn vị cấp Giấy hẹn trả Giấy chứng nhận kiểm định cho chủ xe theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này, khi chủ xe xuất trình giấy tờ về đăng ký xe, đơn vị đăng kiểm phô tô để lưu trong Hồ sơ phương tiện, hồ sơ kiểm định và trả Giấy chứng nhận kiểm định. Trường hợp xe cơ giới có thông báo kiểm định không đạt trên cổng thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam thì đơn vị đăng kiểm xóa thông báo;

c) Xe cơ giới kiểm định nếu có hạng mục khiếm khuyết, hư hỏng, đơn vị đăng kiểm in và gửi Thông báo hạng mục khiếm khuyết, hư hỏng theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này cho chủ xe để sửa chữa, khắc phục. Trường hợp kiểm định không đạt và không được cấp Giấy chứng nhận kiểm định thì đơn vị đăng kiểm phải nhập nội dung không đạt vào mục cảnh báo phương tiện không đạt trên cổng thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

3. Kiểm định ngoài đơn vị đăng kiểm

a) Chủ xe có văn bản đề nghị theo mẫu tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này nêu rõ lý do, địa điểm kiểm định ngoài đơn vị đăng kiểm kèm theo danh sách xe cơ giới đề nghị kiểm định gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác đến đơn vị đăng kiểm.

b) Đơn vị đăng kiểm kiểm tra, xem xét đề nghị của chủ xe, nếu đúng đối tượng theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Thông tư này và đủ điều kiện đường thử thì trong vòng 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của chủ xe, đơn vị đăng kiểm có văn bản thông báo cho chủ xe về thời gian kiểm tra. Trường hợp không đủ điều kiện đường thử thì có văn bản thông báo cho chủ xe và nêu rõ lý do.

c) Chủ xe đưa xe đến địa điểm kiểm tra, đơn vị đăng kiểm tiến hành kiểm định xe cơ giới theo trình tự và cách thức thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Ghi nhận bổ sung, sửa đổi Hồ sơ phương tiện khi xe cơ giới có thay đổi thông tin trên giấy tờ về đăng ký xe.

a) Chủ xe các mang các giấy tờ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 của Thông tư này đến đơn vị đăng kiểm để ghi nhận thay đổi.

b) Đơn vị đăng kiểm kiểm tra giấy tờ: nếu đầy đủ thì ghi nhận thay đổi vào Hồ sơ phương tiện và chương trình quản lý kiểm định; nếu không đầy đủ thì hướng dẫn ngay để chủ xe hoàn thiện lại. Trường hợp đơn vị đăng kiểm không quản lý Hồ sơ phương tiện thì phải gửi bản sao giấy tờ về đăng ký xe có đóng dấu của đơn vị về đơn vị đăng kiểm quản lý Hồ sơ phương tiện để cập nhật và lưu trữ vào Hồ sơ phương tiện.

5. Ghi nhận bổ sung, sửa đổi Hồ sơ phương tiện khi xe cơ giới có thay đổi thông số kỹ thuật.

a) Chủ xe đưa xe cơ giới cùng các giấy tờ theo quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 6 của Thông tư này và giấy tờ, tài liệu kỹ thuật có liên quan đến đơn vị đăng kiểm để kiểm định, ghi nhận thay đổi.

b) Đơn vị đăng kiểm kiểm tra giấy tờ, đối chiếu với chương trình quản lý kiểm định: nếu không đầy đủ thì hướng dẫn để chủ xe hoàn thiện lại; nếu đầy đủ thì kiểm định, chụp ảnh và ghi nhận bổ sung, sửa đổi vào Hồ sơ phương tiện, chương trình quản lý kiểm định. Trường hợp đơn vị đăng kiểm thực hiện kiểm định không phải là đơn vị đăng kiểm quản lý Hồ sơ phương tiện thì đơn vị đăng kiểm thực hiện kiểm định phải gửi Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo, tài liệu kỹ thuật liên quan đến bổ sung, sửa đổi, bản sao Giấy chứng nhận kiểm định đến đơn vị đăng kiểm quản lý Hồ sơ phương tiện để cập nhật và lưu trữ vào Hồ sơ phương tiện.

6. Trình tự thực hiện bổ sung Hồ sơ phương tiện đối với một số trường hợp

a) Xe cơ giới thanh lý không có thông tin trong cơ sở dữ liệu sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, kiểm định đến đơn vị đăng kiểm để kiểm định, lập Hồ sơ phương tiện nếu có kết quả kiểm định đạt yêu cầu, đơn vị cấp Giấy hẹn trả Giấy chứng nhận kiểm định cho chủ xe theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này, dán Tem kiểm định cho phương tiện, đồng thời thực hiện xác minh sự phù hợp của xe cơ giới thanh lý trên cơ sở dữ liệu về đăng ký xe hoặc cơ quan đăng ký xe. Trường hợp nội dung xác minh không phù hợp với xe thực tế, đơn vị đăng kiểm thông báo cho chủ xe, đồng thời thực hiện hủy Hồ sơ phương tiện đã lập, thông báo thu hồi Tem kiểm định đã cấp và cảnh báo trên cổng thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam; trường hợp nội dung xác minh phù hợp với xe thực tế, đơn vị đăng kiểm thông báo và trả Giấy chứng nhận kiểm định cho chủ xe.

b) Trường hợp xe của các tổ chức được phép tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu: sau khi lập Hồ sơ phương tiện, các đơn vị đăng kiểm thực hiện kiểm định, cấp Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định có thời hạn không vượt quá thời hạn ghi trên Giấy đăng ký xe, đồng thời gửi thông tin phương tiện về Cục Đăng kiểm Việt Nam để thực hiện cảnh báo trên Chương trình quản lý kiểm định. Các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới thực hiện kiểm định lần đầu đối với xe tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu sau khi xe được chuyển nhượng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam phải tiến hành xác minh sự phù hợp trên cơ sở dữ liệu về đăng ký xe hoặc cơ quan đăng ký xe và thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều này.

Chương III
HỒ SƠ, ẤN CHỈ VÀ BÁO CÁO CÔNG TÁC KIỂM ĐỊNH

Điều 9. Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định

1. Xe cơ giới kiểm định đạt yêu cầu được cấp Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định theo mẫu quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này.

a) Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định cấp cho xe cơ giới phải có cùng một số seri, được in từ chương trình quản lý kiểm định trên phôi do Cục Đăng kiểm Việt Nam thống nhất phát hành, có nội dung phù hợp với Hồ sơ phương tiện và dữ liệu trên chương trình quản lý kiểm định. Đối với xe cơ giới được chủ xe khai báo có kinh doanh vận tải được cấp Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định loại dành cho xe cơ giới có kinh doanh vận tải, đối với xe cơ giới được chủ xe khai báo không kinh doanh vận tải được cấp Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định loại không kinh doanh vận tải.

b) Xe cơ giới không được tham gia giao thông đường bộ thì chỉ cấp Giấy chứng nhận kiểm định và không cấp Tem kiểm định.

c) Đối với xe cơ giới có Giấy chứng nhận chất lượng ATKT và BVMT xe cơ giới nhập khẩu hoặc Giấy chứng nhận chất lượng ATKT và BVMT ô tô sản xuất lắp ráp có ghi nội dung chỉ hoạt động trong phạm vi hẹp và các xe quá khổ quá tải theo quy định tại Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT thì chỉ cấp Giấy chứng nhận kiểm định và không cấp Tem kiểm định, trên Giấy chứng nhận kiểm định có ghi dòng chữ: “Khi tham gia giao thông phải xin phép cơ quan quản lý đường bộ”.

2. Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định cấp theo chu kỳ kiểm định quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này nhưng không vượt quá ngày hết hạn của Giấy đăng ký xe (nếu có) hoặc ngày xe cơ giới hết niên hạn sử dụng.

3. Xe cơ giới được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định có thời hạn hiệu lực 15 ngày khi kiểm định đạt yêu cầu trong các trường hợp sau:

a) Xe cơ giới bị cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định theo quy định tại khoản 12 Điều 80 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.

b) Xe cơ giới đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ chuyển vùng; xe cơ giới đã được cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo; xe cơ giới mới sản xuất lắp ráp đã có Phiếu kiểm tra xuất xưởng; xe cơ giới nhập khẩu đã có Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu; xe cơ giới xuất khẩu đã có Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe sản xuất lắp ráp (trường hợp không có Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe sản xuất lắp ráp phải có tài liệu của nhà sản xuất) có nhu cầu tham gia giao thông để di chuyển về địa điểm xác định (khi kiểm định không phải xuất trình, nộp các giấy tờ quy định tại Điều 6 của Thông tư này).

c) Xe cơ giới có nhu cầu di chuyển để phục vụ nghiên cứu, thử nghiệm trước khi thực hiện chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới. Đối với trường hợp này, khi kiểm định chủ xe không phải xuất trình, nộp các giấy tờ quy định tại Điều 6 của Thông tư này tuy nhiên cần cung cấp các tài liệu sau: hồ sơ thiết kế; tài liệu chứng minh phương tiện được chạy tự kiểm tra trong đường nội bộ của nhà máy đảm bảo an toàn tối thiểu 3000 km; văn bản cam kết của nhà sản xuất về việc chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong quá trình di chuyển để phục vụ nghiên cứu, thử nghiệm trong đó bao gồm cả phạm vi, tuyến đường, thời gian hoạt động; bản khai thông số kỹ thuật kèm theo biên bản kiểm tra chất lượng sản xuất lắp ráp của nhà sản xuất và mục ghi chú của Giấy chứng nhận kiểm định được cấp phải ghi: “Chủ xe phải chạy đúng phạm vi, tuyến đường, thời gian hoạt động và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển”.

4. Giấy chứng nhận kiểm định được giao cho chủ xe để mang theo khi tham gia giao thông, Tem kiểm định được dán tại góc trên bên phải, mặt trong kính chắn gió phía trước xe ô tô; đối với rơ moóc và sơ mi rơ moóc thì Tem kiểm định được dán vào khung xe, gần vị trí lắp biển số đăng ký, bên ngoài có lớp bảo vệ trong suốt.

5. Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định bị mất, hư hỏng thì chủ xe phải đưa xe đi kiểm định lại để cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định.

6. Khi phát hiện hồ sơ do chủ xe cung cấp bị làm giả hoặc sửa chữa, tẩy xoá; Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định đã cấp không phù hợp với xe cơ giới đã kiểm định, đơn vị đăng kiểm phải có trách nhiệm thu hồi Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định đã được cấp cho xe cơ giới (nếu còn hiệu lực) và báo cáo Cục Đăng kiểm Việt Nam.

7. Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định hết hiệu lực khi:

a) Xe cơ giới đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định mới;

b) Đã có khai báo mất của chủ xe với đơn vị đăng kiểm;

c) Đã có thông báo thu hồi của các đơn vị đăng kiểm;

d) Xe cơ giới bị tai nạn đến mức không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định;

đ) Đã có xác nhận của đơn vị đăng kiểm về sự không phù hợp giữa thông số kỹ thuật trên Giấy chứng nhận kiểm định và thông số kỹ thuật thực tế của xe cơ giới.

Điều 10. Cấp phát ấn chỉ kiểm định

1. Đơn vị đăng kiểm lập và gửi phiếu đề nghị cung cấp ấn chỉ kiểm định (trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua thư điện tử) theo mẫu quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này về Cục Đăng kiểm Việt Nam từ ngày 15 đến ngày 20 của tháng cuối của mỗi quý.

2. Cục Đăng kiểm Việt Nam căn cứ vào nhu cầu của các đơn vị đăng kiểm để gửi ấn chỉ kiểm định qua đường bưu chính hoặc cấp trực tiếp cho đơn vị đăng kiểm tương ứng từ ngày 23 đến ngày 30 của tháng cuối của mỗi quý.

3. Trường hợp đề nghị cấp bổ sung, đơn vị đăng kiểm lập và gửi phiếu đề nghị cung cấp ấn chỉ kiểm định bổ sung (trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua thư điện tử) theo mẫu quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này về Cục Đăng kiểm Việt Nam. Cục Đăng kiểm Việt Nam căn cứ vào nhu cầu của đơn vị đăng kiểm để gửi ấn chỉ kiểm định qua đường bưu chính hoặc cấp trực tiếp cho đơn vị đăng kiểm sau 15 ngày kể từ ngày nhận được phiếu đề nghị cung cấp ấn chỉ kiểm định bổ sung.

Điều 11. Báo cáo công tác kiểm định

1. Báo cáo kết quả thực hiện công tác kiểm định và báo cáo sử dụng ấn chỉ kiểm định:

a) Tên báo cáo: báo cáo kết quả thực hiện công tác kiểm định và báo cáo sử dụng ấn chỉ kiểm định;

b) Nội dung yêu cầu báo cáo: báo cáo số lượng xe kiểm định kể cả xe kiểm định ngoài đơn vị (nếu có), số lượng ấn chỉ đã sử dụng, số lượng ấn chỉ còn tồn;

c) Đối tượng thực hiện báo cáo: đơn vị đăng kiểm;

d) Cơ quan nhận báo cáo: Cục Đăng kiểm Việt Nam đối với báo cáo kết quả thực hiện công tác kiểm định, báo cáo sử dụng ấn chỉ kiểm định và báo cáo kiểm kê ấn chỉ kiểm định; Sở Giao thông vận tải địa phương đối với báo cáo kết quả thực hiện công tác kiểm định;

đ) Phương thức gửi, nhận báo cáo: gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc hệ thống thư điện tử;

e) Thời hạn gửi báo cáo: trước ngày 20 hàng tháng;

g) Tần suất thực hiện báo cáo: báo cáo định kỳ hàng tháng;

h) Thời gian chốt số liệu báo cáo: từ ngày 15 tháng trước đến ngày 14 của tháng thuộc kỳ báo cáo;

i) Mẫu biểu số liệu báo cáo: theo Phụ lục XIII ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Báo cáo danh sách ô tô hết niên hạn, báo cáo danh sách ô tô sắp hết niên hạn:

a) Tên báo cáo: báo cáo danh sách ô tô hết niên hạn, báo cáo danh sách ô tô sắp hết niên hạn;

b) Nội dung yêu cầu báo cáo: báo cáo số lượng xe hết niên hạn và số lượng xe sắp hết niên hạn;

c) Đối tượng thực hiện báo cáo: đơn vị đăng kiểm;

d) Cơ quan nhận báo cáo: Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở Giao thông vận tải địa phương;

đ) Phương thức gửi, nhận báo cáo: gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc hệ thống thư điện tử;

e) Thời hạn gửi báo cáo: trước ngày 20 tháng 01 hàng năm đối với báo cáo xe hết niên hạn và trước ngày 20 tháng 08 hàng năm đối với báo cáo xe sắp hết niên hạn;

g) Tần suất thực hiện báo cáo: báo cáo định kỳ hàng năm;

h) Thời gian chốt số liệu báo cáo: số lượng xe hết niên hạn từ ngày 01 tháng 01 của năm báo cáo đối với báo cáo xe hết niên hạn và số lượng xe sắp hết niện hạn từ ngày 01 tháng 01 của năm tiếp theo đối với báo cáo xe sắp hết niên hạn.

i) Mẫu biểu số liệu báo cáo: theo Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 12. Lưu trữ hồ sơ, dữ liệu kiểm định
Đơn vị đăng kiểm phải quản lý, lưu trữ hồ sơ phương tiện, hồ sơ kiểm định và dữ liệu kiểm định. Hồ sơ lưu trữ yêu cầu phải đầy đủ, được bảo quản tốt, dễ theo dõi, dễ kiểm tra.

1. Hồ sơ phương tiện được lưu và sắp xếp thành bộ riêng, theo thứ tự số quản lý Hồ sơ phương tiện. Hồ sơ phương tiện gồm:

a) Phiếu lập hồ sơ phương tiện;

b) Giấy tờ nêu tại điểm b khoản 1, Điều 6 Thông tư này;

c) Các Giấy chứng nhận chất lượng ATKT và BVMT xe cơ giới cải tạo (đối với xe cơ giới cải tạo);

d) Bản in các ảnh tổng thể xe cơ giới theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8 của Thông tư này (kể cả khi xe cơ giới cải tạo thay đổi thông số kỹ thuật, hình dáng bố trí chung);

đ) Bản sao Giấy chứng nhận kiểm định lần đầu sau khi lập Hồ sơ phương tiện hoặc do thay đổi thông số kỹ thuật;

e) Bản sao giấy tờ về đăng ký xe khi kiểm định lần đầu sau khi lập Hồ sơ phương tiện hoặc sau khi đổi Giấy đăng ký xe;

g) Các giấy tờ liên quan đến việc bổ sung, sửa đổi thông tin hành chính, thông số kỹ thuật trong quá trình sử dụng của xe cơ giới (nếu có).

h) Các giấy tờ liên quan đến việc xác minh sự phù hợp trên cơ sở dữ liệu về đăng ký xe hoặc cơ quan đăng ký xe đối với xe cơ giới phải xác minh theo quy định.

2. Hồ sơ kiểm định của mỗi xe cơ giới được xếp thành bộ riêng theo thứ tự số Phiếu theo dõi hồ sơ và lưu riêng theo từng ngày kèm theo bản sao chụp Phiếu phân công nhiệm vụ hàng ngày, bản in Báo cáo kết quả công tác kiểm định trong ngày. Hồ sơ kiểm định gồm:

a) Phiếu theo dõi hồ sơ, các phiếu kiểm định; đối với trường hợp kiểm định lại trong ngày làm việc thì các phiếu kiểm định lưu trong cùng một bộ hồ sơ kiểm định;

b) Bản sao các giấy tờ: giấy tờ về đăng ký xe, Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định cấp mới cho xe cơ giới. Đối với trường hợp không cấp Tem kiểm định thì lưu phôi Tem kiểm định;

c) Các giấy tờ liên quan đến bổ sung, sửa đổi Hồ sơ phương tiện không do đơn vị quản lý;

d) Bản in kết quả kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát thông qua trang thông tin điện tử;

đ) Bản in ảnh chụp khoang hành lý (hầm hàng); ảnh chụp khoang hành khách từ đầu xe và từ cuối xe đối với ô tô chở người trên 09 chỗ kể cả người lái.

3. Lập các sổ quản lý hồ sơ, ấn chỉ để theo dõi việc lưu trữ, báo cáo, bao gồm:

a) Sổ theo dõi cấp phát Giấy chứng nhận, Tem kiểm định theo mẫu tại Phụ lục XV ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Sổ theo dõi sửa Phiếu lập hồ sơ phương tiện theo mẫu tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Sổ phân công nhiệm vụ kiểm định theo mẫu tại Phụ lục XVII ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Sổ quản lý Phiếu lập hồ sơ phương tiện theo mẫu tại Phụ lục XVIII ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Dữ liệu kiểm định được lưu trữ tại đơn vị đăng kiểm và trên cơ sở dữ liệu của chương trình quản lý kiểm định tại Cục Đăng kiểm Việt Nam.

5. Các ấn chỉ hỏng được lưu trữ theo từng loại, theo thứ tự số sê ri ấn chỉ và lưu trữ riêng hàng tháng, trên ấn chỉ ghi rõ lý do hỏng để hủy khi có hướng dẫn của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

6. Thời gian, địa điểm lưu trữ

a) Hồ sơ phương tiện và các sổ quản lý, cấp phát trong quá trình lập Hồ sơ phương tiện: lưu tại đơn vị đăng kiểm lập Hồ sơ phương tiện trong suốt quá trình sử dụng của xe cơ giới. Đối với phương tiện hết niên hạn sử dụng, hủy sau 03 năm (36 tháng) kể từ khi xe cơ giới hết niên hạn sử dụng.

b) Hồ sơ kiểm định và các sổ quản lý, cấp phát trong quá trình kiểm định; ảnh chụp khi xe cơ giới vào kiểm định: lưu tại đơn vị đăng kiểm kiểm định và hủy sau 03 năm (36 tháng) kể từ ngày kiểm định.

c) Xe cơ giới vào kiểm định phải được ghi hình quá trình kiểm tra trên dây chuyền và lưu trữ tại đơn vị đăng kiểm. Hình ảnh camera IP giám sát quá trình kiểm định trên dây chuyền phải được lưu trữ tại đơn vị đăng kiểm dưới dạng video tối thiểu 30 ngày làm việc kể từ ngày kiểm định.

d) Ảnh chụp khi xe cơ giới vào kiểm định theo quy định tại khoản 7 Điều 7 của Thông tư này phải được lưu dưới định dạng .JPEG theo ngày kiểm định trong thời gian 03 năm (36 tháng) kể từ ngày kiểm định.

Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

Điều 13. Trách nhiệm của chủ xe
Ngoài việc thực hiện các nội dung trong Thông tư này chủ xe còn có trách nhiệm thực hiện các quy định sau đây:

1. Chịu trách nhiệm duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện theo tiêu chuẩn quy định khi tham gia giao thông đường bộ giữa hai kỳ kiểm định.

2. Không được thuê, mượn tổng thành, linh kiện xe cơ giới nhằm mục đích đối phó để đạt yêu cầu khi đi kiểm định; làm giả, tẩy xoá, sửa đổi các nội dung của Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định.

3. Chịu trách nhiệm cung cấp, khai báo chính xác các thông tin có liên quan tới nội dung kiểm định, thông tin hành chính, thông số kỹ thuật của xe cơ giới kể cả việc cung cấp các hồ sơ, tài liệu có liên quan cho các đơn vị đăng kiểm.

4. Bảo quản Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định.

5. Nộp lại Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định khi có thông báo thu hồi của đơn vị đăng kiểm.

Điều 14. Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam

1. Tổ chức, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về kiểm định xe cơ giới theo quy định của Thông tư này.

2. Xây dựng, quản lý, hướng dẫn sử dụng thống nhất chương trình quản lý kiểm định, cơ sở dữ liệu kiểm định trên cả nước, tiếp nhận và quản lý dữ liệu xe cơ giới kiểm định của các đơn vị đăng kiểm.

3. Kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ và đột xuất hoạt động kiểm định của các đơn vị đăng kiểm. Xử lý sai phạm của đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ và đơn vị đăng kiểm xe cơ giới theo quy định, đồng thời có văn bản thông báo kết quả xử lý sai phạm cho Sở Giao thông vận tải địa phương.

4. Cảnh báo và xóa cảnh báo trên chương trình quản lý kiểm định đối với những xe cơ giới có sự không phù hợp về thông tin hành chính, thông số kỹ thuật, các trường hợp theo quy định tại khoản 12 Điều 80 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ.

5. In ấn, quản lý, cấp phát và hướng dẫn sử dụng các loại ấn chỉ, chứng chỉ kiểm định, hướng dẫn hủy các loại ấn chỉ hỏng, không còn giá trị sử dụng.

Điều 15. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải

1. Thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động kiểm định xe cơ giới trên địa bàn.

2. Cung cấp, trao đổi thông tin, số liệu có liên quan đến công tác kiểm định xe cơ giới.

3. Xử lý sai phạm trong công tác đăng kiểm đối với lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ theo thẩm quyền.

4. Phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện quản lý nhà nước về công tác kiểm định xe cơ giới và thực hiện các nhiệm vụ khác theo thẩm quyền trên địa bàn địa phương.

Điều 16. Trách nhiệm của Đơn vị đăng kiểm xe cơ giới

1. Thực hiện việc kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới theo quy định. Lãnh đạo đơn vị đăng kiểm, phụ trách dây chuyền, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ thực hiện kiểm định phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định.

2. Công khai trình tự, thủ tục, nội dung, quy trình, tiêu chuẩn, quy định, phí, lệ phí và thời gian làm việc.

3. Thực hiện chế độ lưu trữ, báo cáo theo quy định.

4. Bảo mật tài khoản đăng nhập vào Cổng thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam và cập nhật dữ liệu cảnh báo từ mạng dữ liệu Cục Đăng kiểm Việt Nam theo quy định.

5. Truyền dữ liệu kết quả kiểm định, dữ liệu thu phí sử dụng đường bộ về Cơ sở dữ liệu của Chương trình Quản lý kiểm định tại Cục Đăng kiểm Việt Nam tối thiểu mỗi ngày hai lần dưới dạng file nén được giữ nguyên tên file kết xuất từ Chương trình Quản lý kiểm định vào thư mục của đơn vị tại máy chủ của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

6. Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định của cơ quan chức năng. Báo cáo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở Giao thông vận tải việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra.

7. Quản lý, cấp phát các loại ấn chỉ, chứng chỉ kiểm định đúng quy định; hủy ấn chỉ hỏng theo hướng dẫn của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

8. Kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa để duy trì độ chính xác, tình trạng hoạt động của thiết bị, dụng cụ kiểm định theo quy định, ghi chép đầy đủ vào Sổ quản lý thiết bị theo mẫu quy định tại Phụ lục XIX của Thông tư này. Báo cáo Cục Đăng kiểm Việt Nam và Sở Giao thông vận tải địa phương khi thiết bị, dây chuyền kiểm định ngừng hoạt động.

9. Sử dụng phần mềm quản lý kiểm định, phần mềm điều khiển thiết bị theo đúng phiên bản do Cục Đăng kiểm Việt Nam công bố.

10. Quản lý, giám sát hoạt động kiểm định tại đơn vị.

11. Thực hiện việc tiếp nhận đăng ký kiểm định (qua điện thoại, trang thông tin điện tử) cho xe cơ giới khi chủ xe có nhu cầu.

12. Xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn hàng năm và dài hạn cho đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ trong đơn vị để đảm bảo và nâng cao trình độ kiểm định xe cơ giới.

13. Cung cấp chính xác các thông tin liên quan đến phương tiện trong quá trình thực hiện kiểm định cho các đơn vị đăng kiểm khác khi có yêu cầu.

14. Chịu trách nhiệm về việc gửi và cập nhật các Giấy tờ liên quan đến thay đổi thông tin hành chính, thông số kỹ thuật của xe cơ giới theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 8 của Thông tư này.

15. Thường xuyên giáo dục đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, đăng kiểm viên và nhân viên, chống tiêu cực trong hoạt động kiểm định của đơn vị; nhắc nhở chủ xe không để tiền, đồ vật có giá trị trên xe khi vào kiểm định.

16. Kiểm kê, xác nhận vào Phiếu cấp phát ấn chỉ và gửi về Cục Đăng kiểm Việt Nam trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ấn chỉ kiểm định từ Cục Đăng kiểm Việt Nam.

17. Thực hiện xác minh sự phù hợp trên cơ sở dữ liệu về đăng ký xe hoặc cơ quan đăng ký xe đối với xe cơ giới thanh lý.

Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2021, thay thế Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT ngày 09 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

2. Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định do các đơn vị đăng kiểm đã cấp cho xe cơ giới trước ngày Thông tư này có hiệu lực vẫn có giá trị cho đến hết thời hạn hiệu lực.

3. Trường hợp văn bản được dẫn chiếu trong Thông tư này được ban hành mới hoặc được bổ sung, sửa đổi thì sẽ áp dụng theo văn bản mới hoặc theo văn bản bổ sung, sửa đổi.

Điều 18. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ ;
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Bộ trưởng Bộ GTVT;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT Bộ GTVT;
- Báo GT, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, KHCN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Đình Thọ

PHỤ LỤC I

PHIẾU THEO DÕI HỒ SƠ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12 tháng 08 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

 

PHIẾU THEO DÕI HỒ SƠ

Ngày ....tháng ..... năm .....
Số: ....................................(1)

 

 

Biển số Đăng ký ......................

 

Danh mục

Các lần kiểm định trong ngày

Ghi chú

Lần1

Lần 2

Lần 3

HỒ SƠ CỦA XE CƠ GIỚI

1

Đăng ký/ giấy hẹn

 

 

 

 

2

Bản sao Phiếu chất lượng xuất xưởng

 

 

 

 

4

Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo

 

 

 

 

5

Các giấy tờ khác (Giấy chứng nhận,…)

 

 

 

 

HỒ SƠ PHƯƠNG TIỆN(2)

Số seri Phiếu lập hồ sơ phương tiện

.........

..........

..........

 

HỒ SƠ KIỂM ĐỊNH(2)

Số Phiếu kiểm định

.........

..........

..........

 

CHỨNG CHỈ KIỂM ĐỊNH(2)

Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định

 

 

 

Ghi "không cấp Tem kiểm định" nếu xe không được cấp Tem kiểm định

Kinh doanh vận tải:    có □                                                      không □

Kiểm định cấp giấy chứng nhận thời hạn 15 ngày (3) □

Điện thoại chủ xe/lái xe (nếu có): …….....................................................………………………

 

Chủ xe/lái xe
(ký và ghi rõ họ tên)

Người lập Phiếu
(ký và ghi rõ họ tên)

 

Chú ý: - Ghi đầy đủ các nội dung trong Phiếu vào các ô tương ứng. Cấp chứng chỉ kiểm định ở lần nào, đánh dấu vào ô tương ứng với lần đó.

- (1): Số Phiếu được lấy theo số thứ tự xe cơ giới vào kiểm định trong ngày.

- (2): Đơn vị đăng kiểm phân công người chịu trách nhiệm hoàn thiện nội dung của mục này trong Phiếu phân công nhiệm vụ kiểm định.

- (3): Trường hợp kiểm định cấp Giấy chứng nhận kiểm định có thời hạn 15 ngày thì đánh dấu vào mục kiểm định cấp Giấy chứng nhận thời hạn 15 ngày.

PHỤ LỤC II

NỘI DUNG KIỂM TRA, PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA VÀ KHIẾM KHUYẾT, HƯ HỎNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12 tháng 08 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Bảng 1

NỘI DUNG KIỂM TRA, PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA VÀ KHIẾM KHUYẾT, HƯ HỎNG

Các nội dung kiểm tra quy định trong Phụ lục này được thực hiện phù hợp theo hồ sơ kỹ thuật của xe cơ giới và tiêu chuẩn, quy định hiện hành.

Khiếm khuyết, hư hỏng không quan trọng (MINOR DEFECTS): Ký hiệu MiD

Khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng (MAJOR DEFECTS): Ký hiệu MaD

Hư hỏng nguy hiểm (DANGEROUS DEFECTS): Ký hiệu DD

Nội dung kiểm tra

Phương pháp kiểm tra

Khiếm khuyết, hư hỏng

MiD

MaD

DD

1. Kiểm tra nhận dạng, tổng quát

1.1

Biển số đăng ký

Quan sát, kết hợp dùng tay lay lắc.

a) Không đủ số lượng

 

x

 

b) Lắp đặt không chắc chắn;

x

 

 

c) Không đúng quy cách; các chữ, số không rõ ràng, không đúng với Giấy đăng ký xe.

 

x

 

1.2

Số khung, số động cơ

Quan sát, đối chiếu hồ sơ phương tiện.

a) Không đầy đủ, không đúng vị trí;

 

x

 

b) Sửa chữa, tẩy xoá;

 

x

 

c) Các chữ, số không rõ, không đúng với hồ sơ phương tiện.

 

x

 

1.3

Mầu sơn

Quan sát.

Không đúng mầu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe.

x

 

 

1.4

Kiểu loại; kích thước xe, thùng hàng (*)

Quan sát, dùng thước đo.

Không đúng với hồ sơ kỹ thuật.

 

x

 

1.5

Biểu trưng; thông tin kẻ trên cửa xe, thành xe theo quy định

Quan sát

a) Không có theo quy định;

x

 

 

b) Không chính xác, không đầy đủ thông tin theo quy định;

x

 

 

c) Mờ, không nhìn rõ.

x

 

 

2. Kiểm tra khung và các phần gắn với khung

2.1. Khung và các liên kết (**)

2.1.1

Tình trạng chung

Đỗ xe trên hầm kiểm tra và quan sát.

a) Không đúng kiểu loại;

 

x

 

b) Nứt, gẫy, biến dạng, cong vênh ở mức nhận biết được bằng mắt;

 

x

 

c) Liên kết không chắc chắn;

 

x

 

d) Mọt gỉ làm ảnh hưởng tới kết cấu.

 

x

 

2.1.2

Thiết bị bảo vệ thành bên và phía sau

Quan sát, kết hợp dùng tay lay lắc.

a) Không đầy đủ, không đúng quy cách

 

x

 

b) Lắp đặt không chắc chắn;

 

x

 

c) Nứt, gẫy, hư hỏng gây nguy hiểm.

 

x

 

2.1.3

Móc kéo

Quan sát, kết hợp dùng tay lay lắc.

a) Không đúng kiểu loại, không đầy đủ chi tiết, lắp đặt không chắc chắn;

 

x

 

b) Nứt, gãy, biến dạng, quá mòn;

 

x

 

c) Cóc, chốt hãm tự mở;

 

x

 

d) Xích, cáp bảo hiểm (nếu có) lắp đặt không chắc chắn;

 

x

 

đ) Cóc, chốt hãm bị kẹt.

x

 

 

2.2. Thân vỏ, buồng lái, thùng hàng

2.2.1

Tình trạng chung

Quan sát.

a) Không đúng kiểu loại, lắp đặt không chắc chắn, không cân đối trên khung;

 

x

 

b) Nứt, gãy, thủng, mục gỉ, rách, biến dạng, sơn bong tróc; (**)

 

x

 

c) Lọt khí từ động cơ, khí xả vào trong khoang xe, buồng lái. (**)

x

 

 

2.2.2

Dầm ngang, dầm dọc

Đỗ xe trên hầm kiểm tra; quan sát, kết hợp dùng tay lay lắc.

a) Không đầy đủ, lắp đặt không chắc chắn, không đúng vị trí; (**)

 

x

 

b) Nứt, gãy, mục gỉ, biến dạng. (**)

 

x

 

2.2.3

Cửa, khóa cửa và tay nắm cửa

Đóng, mở cửa và quan sát, kết hợp dùng tay lay lắc.

a) Không đầy đủ, lắp đặt không chắc chắn; (**)

 

x

 

b) Bản lề, chốt bị mất, lỏng, hư hỏng; (**)

 

x

 

c) Đóng, mở không nhẹ nhàng; (**)

x

 

 

d) Khóa cửa, cửa tự mở, đóng không hết. (**)

 

x

 

2.2.4

Cơ cấu khoá, mở buồng lái; thùng xe; khoang hành lý; khóa hãm công-ten-nơ

Đóng, mở buồng lái, thùng xe, khoang hành lý, khóa hãm công ten nơ và quan sát, kết hợp dùng tay lay lắc.

a) Không đầy đủ, lắp đặt không chắc chắn; (**)

 

x

 

b) Khoá mở không nhẹ nhàng(**)

x

 

 

c) Khóa tự mở; (**)

 

x

 

d) Không có tác dụng. (**)

 

x

 

2.2.5

Sàn

Quan sát bên trên và bên dưới xe.

a) Lắp đặt không chắc chắn; (**)

 

x

 

b) Thủng, rách. (**)

 

x

 

2.2.6

Ghế ngồi (kể cả ghế người lái), giường nằm

Quan sát, kết hợp dùng tay lay lắc.

a) Không đúng hồ sơ kỹ thuật, bố trí và kích thước ghế, giường không đúng quy định;

 

x

 

b) Lắp đặt không chắc chắn; (**)

 

x

 

c) Cơ cấu điều chỉnh (nếu có) không có tác dụng; (**)

x

 

 

d) Rách mặt đệm. (**)

x

 

 

2.2.7

Bậc lên xuống

Quan sát, kết hợp dùng tay lay lắc.

a) Không đầy đủ, lắp đặt không chắc chắn, nứt, gãy; (**)

 

x

 

b) Mọt gỉ, thủng. (**)

x

 

 

2.2.8

Tay vịn, cột chống

Quan sát, kết hợp dùng tay lay lắc.

a) Không đầy đủ, lắp đặt không chắc chắn, nứt, gãy; (**)

 

x

 

b) Mọt gỉ. (**)

x

 

 

2.2.9

Giá để hàng, khoang hành lý

Quan sát, kết hợp dùng tay lay lắc.

a) Không đầy đủ, lắp đặt không chắc chắn, nứt, gãy; không đúng theo thiết kế của nhà sản xuất; (**)

 

x

 

b) Mọt gỉ, thủng, rách. (**)

x

 

 

c) Không đúng quy cách, không chia khoang theo quy định.

 

x

 

2.2.10

Chắn bùn

Quan sát, kết hợp dùng tay lay lắc.

a) Không đầy đủ, lắp đặt không chắc chắn; (**)

x

 

 

b) Rách, thủng, mọt gỉ, vỡ. (**)

x

 

 

2.3. Mâm xoay, chốt kéo của ô tô đầu kéo, sơ mi rơ moóc và rơ moóc

2.3.1

Tình trạng chung

Quan sát, kết hợp dùng tay lay lắc.

a) Không đúng kiểu loại, lắp đặt không chắc chắn;

 

x

 

b) Các chi tiết bị biến dạng, gãy, rạn nứt, quá mòn. (**)

 

x

 

2.3.2

Sự làm việc

Đóng, mở khoá hãm chốt kéo và quan sát.

Cơ cấu khoá mở chốt kéo không hoạt động đúng chức năng.

 

x

 

3. Kiểm tra khả năng quan sát của người lái

3.1

Tầm nhìn

Quan sát từ ghế lái.

Lắp thêm các vật làm hạn chế tầm nhìn của người lái theo hướng phía trước, hai bên.

x

 

 

3.2

Kính chắn gió

Quan sát.

a) Không đầy đủ, lắp đặt không chắc chắn;

 

x

 

b) Không đúng quy cách, không phải là kính an toàn;

 

x

 

c) Vỡ, rạn nứt ảnh hưởng đến tầm nhìn người lái;

 

x

 

d) Hình ảnh quan sát bị méo, không rõ.

 

x

 

3.3

Gương, camera quan sát phía sau (đối với xe sử dụng camera thay gương)

Quan sát, kết hợp dùng tay lay lắc.

a) Không đầy đủ, lắp đặt không chắc chắn;

 

x

 

b) Phía bên trái không quan sát được ít nhất chiều rộng 2,5 m ở vị trí cách gương 10 m về phía sau;

 

x

 

c) Phía bên phải của xe con, xe tải có khối lượng lượng toàn bộ theo thiết kế không lớn hơn 2 tấn không quan sát được ít nhất chiều rộng 4 m ở vị trí cách gương 20 m về phía sau; đối với các loại xe khác không quan sát được ít nhất chiều rộng 3,5m ở vị trí cách gương 30 m về phía sau;

 

x

 

d) Hình ảnh quan sát bị méo, không rõ ràng;

 

x

 

đ) Nứt, vỡ, hư hỏng không điều chỉnh được.

 

x

 

3.4

Gạt nước

Cho hoạt động và quan sát, kết hợp dùng tay lay lắc.

a) Không đầy đủ, lắp đặt không chắc chắn; (**)

x

 

 

b) Lưỡi gạt quá mòn; (**)

x

 

 

c) Không đảm bảo tầm nhìn của người lái; (**)

x

 

 

d) Không hoạt động bình thường.

x

 

 

3.5

Phun nước rửa kính

Cho hoạt động và quan sát, kết hợp dùng tay lay lắc.

a) Không đầy đủ, lắp đặt không chắc chắn; (**)

x

 

 

b) Không hoạt động hoặc phun không đúng vào phần được quét của gạt nước.

x

 

 

4. Kiểm tra hệ thống điện, chiếu sáng, tín hiệu

4.1. Hệ thống điện

4.1.1

Dây điện

Đỗ xe trên hầm; kiểm tra dây điện ở trên, ở dưới phương tiện và trong khoang động cơ bằng quan sát kết hợp dùng tay lay lắc.

a) Lắp đặt không chắc chắn; (**)

x

 

 

b) Vỏ cách điện hư hỏng; (**)

 

x

 

c) Có dấu vết cọ sát vào các chi tiết chuyển động

 

x

 

4.1.2

Ắc quy

Quan sát, kết hợp dùng tay lay lắc.

a) Lắp đặt không chắc chắn, không đúng vị trí;

x

 

 

b) Rò rỉ môi chất.

x

 

 

4.2. Đèn chiếu sáng phía trước

4.2.1

Tình trạng và sự hoạt động

Bật, tắt đèn và quan sát, kết hợp dùng tay lay lắc.

a) Không đầy đủ, không đúng kiểu loại, vỡ;

 

x

 

b) Lắp đặt không đúng vị trí, không chắc chắn; (**)

 

x

 

c) Không sáng khi bật công tắc;

 

x

 

d) Thấu kính, gương phản xạ mờ, nứt;

x

 

 

đ) Mầu ánh sáng không phải là mầu trắng hoặc vàng nhạt.

 

x

 

4.2.2

Chỉ tiêu về ánh sáng của đèn chiếu xa (đèn pha)

Sử dụng thiết bị đo đèn: đặt buồng đo chính giữa trước đầu xe, cách một khoảng theo hướng dẫn của nhà sản xuất thiết bị, điều chỉnh buồng đo song song với đầu xe; đẩy buồng đo đến đèn cần kiểm tra và điều chỉnh buồng đo chính giữa đèn cần kiểm tra; bật đèn trong khi xe nổ máy, nhấn nút đo và ghi nhận kết quả.

a) Hình dạng của chùm sáng không đúng;

 

x

 

b) Tâm vùng cường độ sáng lớn nhất nằm bên trên đường nằm ngang 0%;

 

x

 

c) Tâm vùng cường độ sáng lớn nhất nằm dưới đường nằm ngang -2% đối với các đèn có chiều cao lắp đặt không lớn hơn 850 mm so với mặt đất hoặc nằm dưới đường nằm ngang -2,75% đối với các đèn có chiều cao lắp đặt lớn hơn 850 mm so với mặt đất;

 

x

 

d) Tâm vùng cường độ sáng lớn nhất lệch trái đường nằm dọc 0%;

 

x

 

đ) Tâm vùng cường độ sáng lớn nhất lệch phải đường nằm dọc 2%;

 

x

 

e) Cường độ sáng nhỏ hơn 10.000 cd.

 

x

 

4.2.3

Chỉ tiêu về ánh sáng của đèn chiếu gần (đèn cốt)

Sử dụng thiết bị đo đèn: điều chỉnh vị trí buồng đo tương tự như ở mục 4.2.2 Phụ lục này; bật đèn cần kiểm tra trong khi xe nổ máy, đặt màn hứng sáng xuống dưới 1,3% nếu khoảng cách từ tâm đèn đến mặt đất không lớn hơn 850 mm và 2% nếu khoảng cách từ tâm đèn đến mặt đất lớn hơn 850 mm, nhấn nút đo và ghi nhận kết quả.

a) Hình dạng của chùm sáng không đúng;

 

x

 

b) Giao điểm của đường ranh giới tối sáng và phần hình nêm nhô lên của chùm sáng lệch sang trái của đường nằm dọc 0%;

 

x

 

c) Giao điểm của đường ranh giới tối sáng và phần hình nêm nhô lên của chùm sáng lệch sang phải của đường nằm dọc 2%;

 

x

 

d) Đường ranh giới tối sáng nằm trên đường nằm ngang -0,5% đối với đèn có chiều cao lắp đặt không lớn hơn 850 mm tính từ mặt đất hoặc nằm trên đường nằm ngang -1,25% đối với đèn có chiều cao lắp đặt lớn hơn 850 mm tính từ mặt đất;

 

x

 

đ) Đường ranh giới tối sáng nằm dưới đường nằm ngang -2% đối với đèn có chiều cao lắp đặt không lớn hơn 850 mm tính từ mặt đất hoặc nằm dưới đường nằm ngang -2,75% đối với đèn có chiều cao lắp đặt lớn hơn 850 mm tính từ mặt đất.

 

x

 

4.3. Đèn kích thước phía trước, phía sau và thành bên

4.3.1

Tình trạng và sự hoạt động

Bật, tắt đèn và quan sát trực tiếp hoặc qua các các thiết bị hỗ trợ (gương, màn hình…) kết hợp dùng tay lay lắc.

a) Không đầy đủ, không đúng kiểu loại, vỡ;

 

x

 

b) Lắp đặt không đúng vị trí, không chắc chắn; (**)

 

x

 

c) Không sáng khi bật công tắc;

 

x

 

d) Gương phản xạ, kính tán xạ ánh sáng mờ, nứt; (**)

x

 

 

đ) Mầu ánh sáng không phải mầu trắng hoặc vàng nhạt đối với đèn phía trước và không phải mầu đỏ đối với đèn phía sau; (**)

 

x

 

e) Khi bật công tắc, số đèn hoạt động tại cùng thời điểm không theo từng cặp đối xứng nhau, không đồng bộ về mầu sắc và kích cỡ.

 

x

 

4.3.2

Chỉ tiêu về ánh sáng

Bật đèn và quan sát trực tiếp hoặc qua các các thiết bị hỗ trợ (gương, màn hình…) trong điều kiện ánh sáng ban ngày.

Cường độ sáng và diện tích phát sáng không đảm bảo nhận biết ở khoảng cách 10 m trong điều kiện ánh sáng ban ngày.

 

x

 

4.4. Đèn báo rẽ (xin đường) và đèn báo nguy hiểm

4.4.1

Tình trạng và sự hoạt động

Bật, tắt đèn và quan sát trực tiếp hoặc qua các các thiết bị hỗ trợ (gương, màn hình…), kết hợp dùng tay lay lắc.

a) Không đầy đủ, không đúng kiểu loại, vỡ;

 

x

 

b) Lắp đặt không đúng vị trí, không chắc chắn; (**)

 

x

 

c) Không hoạt động khi bật công tắc;

 

x

 

d) Gương phản xạ, kính tán xạ ánh sáng mờ, nứt;

x

 

 

đ) Mầu ánh sáng: đèn phía trước xe không phải mầu vàng, đèn phía sau xe không phải mầu vàng hoặc mầu đỏ; (**)

 

x

 

e) Khi bật công tắc, số đèn hoạt động tại cùng thời điểm không theo từng cặp đối xứng nhau, không đồng bộ về mầu sắc và kích cỡ; không hoạt động đồng thời, không cùng tần số nháy.

 

x

 

4.4.2

Chỉ tiêu về ánh sáng

Bật đèn và quan sát trực tiếp hoặc qua các các thiết bị hỗ trợ (gương, màn hình…) trong điều kiện ánh sáng ban ngày.

Cường độ sáng và diện tích phát sáng không đảm bảo nhận biết ở khoảng cách 20 m trong điều kiện ánh sáng ban ngày.

 

x

 

4.4.3

Thời gian chậm tác dụng và tần số nháy

Bật đèn và quan sát trực tiếp hoặc qua các các thiết bị hỗ trợ (gương, màn hình…), nếu thấy thời gian chậm tác dụng, tần số nháy có thể không đảm bảo thì dùng đồng hồ đo để kiểm tra.

a) Đèn sáng sau 3 giây kể từ khi bật công tắc; (**)

 

x

 

b) Tần số nháy không nằm trong khoảng từ 60 đến 120 lần/phút. (**)

 

x

 

4.5. Đèn phanh

4.5.1

Tình trạng và sự hoạt động

Đạp, nhả phanh và quan sát trực tiếp hoặc qua các các thiết bị hỗ trợ (gương, màn hình…) cầu lồi, kết hợp dùng tay lay lắc.

a) Không đầy đủ, không đúng kiểu loại, vỡ;

 

x

 

b) Lắp đặt không đúng vị trí, không chắc chắn; (**)

 

x

 

c) Không sáng khi phanh xe;

 

x

 

d) Gương phản xạ, kính tán xạ ánh sáng mờ, nứt;

x

 

 

đ) Mầu ánh sáng không phải mầu đỏ;

 

x

 

e) Khi đạp phanh, số đèn hoạt động tại cùng thời điểm của cặp đèn đối xứng nhau không đồng bộ về mầu sắc và kích cỡ.

 

x

 

4.5.2

Chỉ tiêu về ánh sáng

Đạp phanh và quan sát trực tiếp hoặc qua các các thiết bị hỗ trợ (gương, màn hình…) trong điều kiện ánh sáng ban ngày.

Cường độ sáng và diện tích phát sáng không đảm bảo nhận biết ở khoảng cách 20 m trong điều kiện ánh sáng ban ngày.

 

x

 

4.6. Đèn lùi

4.6.1

Tình trạng và sự hoạt động

Vào, ra số lùi và quan sát trực tiếp hoặc qua các các thiết bị hỗ trợ (gương, màn hình…), kết hợp dùng tay lay lắc.

a) Không đầy đủ, không đúng kiểu loại;

 

x

 

b) Lắp đặt không đúng vị trí, không chắc chắn, vỡ; (**)

 

x

 

c) Không sáng khi cài số lùi;

 

x

 

d) Gương phản xạ, kính tán xạ ánh sáng mờ, nứt;

x

 

 

đ) Mầu ánh sáng không phải mầu trắng.

 

x

 

4.6.2

Chỉ tiêu về ánh sáng

Cài số lùi và quan sát trực tiếp hoặc qua các các thiết bị hỗ trợ (gương, màn hình…) trong điều kiện ánh sáng ban ngày.

Cường độ sáng và diện tích phát sáng không đảm bảo nhận biết ở khoảng cách 20 m trong điều kiện ánh sáng ban ngày.

 

x

 

4.7. Đèn soi biển số

4.7.1

Tình trạng và sự hoạt động

Tắt, bật đèn và quan sát trực tiếp hoặc qua các các thiết bị hỗ trợ (gương, màn hình…), kết hợp dùng tay lay lắc.

a) Không đầy đủ, không đúng kiểu loại;

x

 

 

b) Lắp đặt không đúng vị trí, không chắc chắn; (**)

x

 

 

c) Không sáng khi bật công tắc;

x

 

 

d) Kính tán xạ ánh sáng mờ, nứt, vỡ;

x

 

 

đ) Mầu ánh sáng không phải mầu trắng.

x

 

 

4.7.2

Chỉ tiêu về ánh sáng

Bật đèn và quan sát trực tiếp hoặc qua các các thiết bị hỗ trợ (gương, màn hình…) trong điều kiện ánh sáng ban ngày.

Cường độ sáng và diện tích phát sáng không đảm bảo nhận biết ở khoảng cách 10 m trong điều kiện ánh sáng ban ngày.

x

 

 

4.8. Còi

4.8.1

Tình trạng và sự hoạt động

Bấm còi và quan sát, kết hợp với nghe âm thanh của còi.

a) Không có hoặc không đúng kiểu loại;

 

x

 

b) Âm thanh phát ra không liên tục, âm lượng không ổn định;

x

 

 

c) Điều khiển hư hỏng, không điều khiển dễ dàng, lắp đặt không đúng vị trí.

x

 

 

4.8.2

Âm lượng

Kiểm tra bằng thiết bị đo âm lượng nếu thấy âm lượng còi nhỏ hoặc quá lớn: đặt micro cách đầu xe 2m, cao 1,2 m so với mặt đất, chính giữa và hướng về đầu xe; bấm còi và ghi lại giá trị âm lượng.

a) Âm lượng nhỏ hơn 90 dB(A);

x

 

 

b) Âm lượng lớn hơn 115 dB(A).

 

x

 

5. Kiểm tra bánh xe

5.1

Tình trạng chung

Đỗ xe trên hầm kiểm tra, kích bánh xe khỏi mặt đất đối với cầu dẫn hướng (các cầu khác khi có nghi ngờ). Dùng tay lắc bánh xe theo phương thẳng đứng và phương ngang kết hợp với đạp phanh để kiểm tra độ rơ moay ơ. Quay bánh xe để kiểm tra quay trơn và quan sát, kết hợp dùng búa kiểm tra. Dùng đồng hồ đo áp suất lốp nếu có nghi ngờ áp suất lốp không đảm bảo quy định của nhà sản xuất.

a) Không đầy đủ, không đúng thông số của lốp do nhà sản xuất xe cơ giới quy định, tài liệu kỹ thuật;

 

x

 

b) Lắp đặt không chắc chắn, không đầy đủ hay hư hỏng chi tiết kẹp chặt và phòng lỏng; (**)

 

 

x

c) Áp suất lốp không đúng;

x

 

 

d) Vành, đĩa vành rạn, nứt, cong vênh; (**)

 

x

 

đ) Vòng hãm không khít vào vành bánh xe;

 

x

 

e) Lốp nứt, vỡ, phồng rộp làm hở lớp sợi mành; (**)

 

x

 

g) Lốp bánh dẫn hướng hai bên không cùng kiểu hoa lốp, chiều cao hoa lốp không đồng đều, sử dụng lốp đắp

 

x

 

h) Lốp mòn không đều, mòn đến dấu chỉ báo độ mòn của nhà sản xuất; (**)

 

x

 

i) Bánh xe không quay trơn, bị bó kẹt, cọ sát vào phần khác; (**)

 

x

 

k) Moay ơ rơ. (**)

 

x

 

5.2

Trượt ngang của bánh xe dẫn hướng

Cho xe chạy thẳng qua thiết bị thử trượt ngang với vận tốc 5 km/h, không tác động lực lên vô lăng.

Trượt ngang của bánh dẫn hướng vượt quá 5 mm/m.

 

x

 

5.3

Giá lắp và bánh xe dự phòng

Quan sát.

a) Giá lắp nứt gãy, không chắc chắn; (**)

 

x

 

b) Bánh xe dự phòng gá lắp không an toàn.

 

x

 

c) Bánh xe dự phòng không đầy đủ; nứt vỡ, phồng, rộp, mòn đến dấu chỉ báo của nhà sản xuất.

x

 

 

6. Kiểm tra hệ thống phanh

6.1. Dẫn động phanh

6.1.1

Trục bàn đạp phanh

Đạp, nhả bàn đạp phanh và quan sát, kết hợp dùng tay lay lắc. Đối với hệ thống phanh có trợ lực cần tắt động cơ khi kiểm tra.

a) Không đủ chi tiết lắp ghép, phòng lỏng;

 

x

 

b) Trục xoay quá chặt, kẹt;

 

x

 

c) Ổ đỡ, trục quá mòn, rơ.

 

x

 

6.1.2

Tình trạng bàn đạp phanh và hành trình bàn đạp

Đạp, nhả bàn đạp phanh và quan sát, kết hợp dùng tay lay lắc. Nếu nhận thấy hành trình không đảm bảo phải dùng thước đo.

a) Không đúng kiểu loại, lắp đặt không chắc chắn, rạn, nứt;

 

x

 

b) Cong vênh;

 

x

 

c) Bàn đạp không tự trả lại đúng khi nhả phanh;

 

x

 

d) Bàn đạp phanh không có hành trình tự do, dự trữ hành trình;

 

x

 

đ) Mặt chống trượt lắp không chặt, bị mất, quá mòn.

 

x

 

6.1.3

Cần hoặc nút bấm hoặc bàn đạp điều khiển phanh đỗ xe

Kéo, nhả cần điều khiển; bấm nhả nút bấm điều khiển; đạp, nhả bàn đạp phanh đỗ xe và quan sát, kết hợp dùng tay lay lắc.

a) Không đúng kiểu loại, lắp đặt không chắc chắn rạn, nứt;

 

x

 

b) Cong vênh;

 

x

 

c) Cóc hãm không có tác dụng;

 

x

 

d) Chốt, cơ cấu cóc hãm quá mòn;

 

x

 

đ) Hành trình làm việc không đúng quy định của nhà sản xuất.

 

x

 

e) Không hoạt động khi bấm nhả nút bấm điều khiển

 

x

 

6.1.4

Van phanh, nút bấm điều khiển phanh đỗ xe

Đóng, mở van, nút bấm bằng tay và quan sát

a) Không đúng kiểu loại, lắp đặt không chắc chắn;

 

x

 

b) Bộ phận điều khiển nứt, hỏng, quá mòn;

 

x

 

c) Van điều khiển làm việc sai chức năng, không ổn định; các mối liên kết lỏng, có sự rò rỉ trong hệ thống.

 

x

 

d) Không có tín hiệu khi đóng mở nút bấm

 

x

 

6.1.5

Ống cứng, ống mềm

Cho hệ thống hoạt động và quan sát, kết hợp dùng tay lay lắc.

a) Không đúng kiểu loại, lắp đặt không đúng vị trí, không chắc chắn;

 

x

 

b) Có dấu vết cọ sát vào bộ phận khác của xe;

 

x

 

c) Ống, chỗ kết nối bị rò rỉ; ống cứng bị rạn, nứt, mọt gỉ; ống mềm bị nứt, phồng rộp;

 

 

x

d) Ống cứng biến dạng, quá mòn; ống mềm bị rạn, vặn xoắn, quá mòn, ống quá ngắn.

 

x

 

6.1.6

Dây cáp, thanh kéo, cần đẩy, các liên kết

Cho hệ thống hoạt động và quan sát, kết hợp dùng tay lay lắc.

a) Không đúng kiểu loại, lắp đặt không đúng vị trí, không chắc chắn;

 

x